Ngày đăng: 15/08/2022
Có ý kiến cho rằng, bất động sản công nghiệp sẽ tạo lối đi mới với mô hình đô thị công nghiệp dịch vụ...
Nhiều ý kiến được đưa ra nhằm tháo gỡ rào cản, khơi thông dòng vốn đầu tư vào các khu công nghiệp trong khuôn khổ Diễn đàn Khu công nghiệp Việt Nam 2022 tuần qua tại TP.HCM.
Trước ý kiến thủ tục đầu tư bị kéo dài, có khi đến 1 năm, ông Trần Quốc Trung, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý khu kinh tế, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết, việc lập hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư liên quan đến quy hoạch, khảo sát, hiện trạng, liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Đồng thời, các nhà đầu tư kết cấu hạ tầng khu công nghiệp (KCN) đáp ứng yêu cầu vốn, kinh nghiệm.
Trong quá trình lập hồ sơ xin ý kiến các bộ ngành, liên quan vấn đề đất đai, quy hoạch xây dựng, nhà đầu tư cần chuẩn bị tốt năng lực tài chính, hồ sơ dự án đáp ứng yêu cầu cơ quan quản lý liên quan, đặc biệt nội dung liên quan đất đai. Với các dự án KCN thì quan trọng việc chuyển đổi đất lúa, đất rừng, các tài sản công trình công cộng. Do đó, việc thực hiện dự án hạ tầng KCN mất nhiều thời gian….
Thời gian tới, các bước quy hoạch tỉnh, điều tra, khảo sát xây dựng sẽ được thực hiện trước khi lập hồ sơ dự án KCN, do đó doanh nghiệp có thể rút ngắn thời gian chuẩn bị. Bên cạnh đó, chúng ta đã bỏ quy hoạch KCN, đưa vào quy hoạch tỉnh, góp phần giảm bớt thời gian cho nhà đầu tư.
Ông Hồ Chí Quang, Phó vụ trưởng Vụ Quy hoạch kiến trúc, Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay, Bộ Xây dựng đang nhận nhiệm vụ xây dựng quy chuẩn khu công nghệ dịch vụ đô thị. Theo cá nhân ông được biết, hiện chưa có pháp luật, quy định cho một chủ đầu tư thực hiện một dự án khu đô thị kết hợp khu công nghiêp. Đầu tiên, phải xác định tính cộng sinh đô thị - công nghiệp và xác định tỷ lệ phần trăm đô thị và công nghiệp. Từ đó, cơ quan địa phương, cơ quan lập pháp mới đưa ra các quy định phù hợp.
Các khách mời thảo luận
"Tôi được biết TP.HCM đã đưa ra mô hình phù hợp là khu đô thị đàn hồi, cộng sinh, kết hợp vùng kinh tế xanh, nâu và đàn hồi nghĩa là có thể thu, co giãn với biến đổi khí hậu. Cuối cùng, có thể nói với vấn đề mới như này, chúng tôi cho rằng đô thị công nghiệp dịch vụ là bất động sản công nghiệp sẽ tạo ra lối đi mới cho toàn bộ dân cư Việt Nam", ông Quang nói.
Như vậy, các nhà đầu tư có thể tài trợ, hỗ trợ các nhà khoa học để họ nghiên cứu và đưa ra được quy chuẩn, tiêu chuẩn. Ông Quang cảm thấy chưa có sự ưu đãi đầu tư thích hợp cho cộng đồng dân cư trong KCN này. Đối với nhà đầu tư và người dân, làm sao để mô hình KCN này giống như câu ca dao khu vực Nam Bộ "Tới đây thì ở lại đây/Bao giờ bén rễ xanh cây mới về". Hy vọng người dân, nhà đầu tư hòa thuận, hưởng lợi, và tạo thành các cộng đồng lớn mạnh.
Liên quan tới vấn đề trên, ông Trần Quốc Trung, Phó Vụ trưởng Vụ quản lý khu kinh tế cho rằng, về tiêu chí khu đô thị gắn liền với KCN, Nghị định 35 quy định khá rõ quy hoạch khu công nghiệp - khu đô thị - dịch vụ. Theo đó, nghị định có nêu rõ việc lập quy hoạch chung về các phân khu, các loại dự án nào được đầu tư vào KCN để không ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Theo nghị định quy định, đó là những dự án phải đáp ứng được yêu cầu về môi trường. Về quy định tỷ lệ đất khu đô thị bằng 1/3 KCN, trên cơ sở này, có thêm hướng dẫn Bộ Xây dựng thì chúng ta hoàn toàn có thể làm được ngay.
"Ví dụ như VSIP, Becamex đã và đang triển khai ở nhiều địa phương. Hiện nay các nhà đầu tư đang phân vân về việc có được làm nhà đầu tư cho cả khu công nghiệp – khu đô thị - dịch vụ hay không? Về việc này chúng ta chia ra về KCN thì giao đất chỉ định, còn đất cho khu đô thị thì tổ chức đấu thầu. Nếu một nhà đầu tư nào đó, đáp ứng đủ năng lực thì hoàn toàn có thể làm chủ đầu tư của cả khu", ông Trung nêu.
Ông Lê Văn Nghĩa, Trưởng ban Quản lý dự án xây dựng thiết chế công đoàn, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề cập, Thủ tướng giao Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam theo Quyết định 655 thực hiện nhà ở công nhân ở khu công nghiệp, khu chế xuất. Tuy nhiên sau khi triển khai có 31 tỉnh có giới thiệu địa điểm, nhưng đến nay chỉ có 2 tỉnh giao đất thực hiện, song thủ tục pháp lý liên quan luật bị hạn chế rất nhiều, như Luật Đất đai không giao cho Tổng Liên đoàn làm nhà ở, do vậy đã dừng lại.
Sau đó, Thủ tướng đã ra quyết định lại là Quyết định 1729 kết hợp với doanh nghiệp để làm trong khu tiết chế công đoàn với mô hình gồm nhà ở và khu văn hóa thể thao có khu vui chơi giải trí cho khu công nhân nên ở đó rất phù hợp. Tuy nhiên vẫn vướng mắc một số vấn đề như Tổng liên đoàn được giới thiệu địa điểm đất và có quy hoạch chi tiết nhưng chưa có giải phóng mặt bằng, dẫn đến tiến độ chậm. Quy hoạch quân khu gần như đều là cấp tầng nhà ở xã hội, dẫn đến khi doanh nghiệp vào đầu tư sẽ nâng số tầng lên, dẫn đến điều chỉnh phân khu, chậm tiến độ.
Hiện nay, Thủ tướng đang giao cho Bộ Xây dựng vấn đề liên quan đến các luật để đảm bảo tất cả các thành phần nghiên cứu được tham gia và xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân. Ngày 1/8 vừa qua, Tổng Liên đoàn có đề xuất và Thủ tướng cho biết phải mở rộng diện các nhà đầu tư được xây dựng nhà ở cho công nhân.
Đề cập tới bài toán nhân lực, bà Lương Tú Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Nodex Asia cho biết, hiện tại, các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam và doanh nghiệp trong nước đều sử dụng phương án để có nguồn nhân lực tốt. Một trong số các phương án hiệu quả là thuê ngoài dịch vụ nhân sự. Nhiều doanh nghiệp FDI đã có những kế hoạch trong việc sử dụng nhân sự thuê ngoài hàng năm.
Có những doanh nghiệp đặt mục tiêu 30-50% là thuê ngoài nhân sự. Hiện nay, nhân sự thuê ngoài có 3 xu hướng chính, đó là dịch vụ tuyển dụng, cung cấp tuyển dụng; cung cấp gói tìm kiếm CV; cung cấp gói tuyển dụng trọn gói… Một xu hướng phải kể đến là hành chính nhân sự, hợp thức lao động, thanh toán lương – các xu hướng phổ biến tại Việt Nam.
"Chúng tôi đưa ra gói dịch vụ mới là HR-Operation, các doanh nghiệp có thể dùng gói nhân sự dịch vụ trọn gói, giống phòng nhân sự bên ngoài đầy đủ chức năng hành chính, tuyển dụng, đào tạo, phát triển nhân sự, nhân tài…. Chúng tôi có dùng ứng dụng, quản lý phần mềm để giúp công tác quản lý minh bạch, hiệu quả cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đều đặt ra mục tiêu phát triển hệ thống công nghệ, phần mềm mới để bắt kịp xu thế", bà Lương Tú Anh cho biết.
Nhiều doanh nghiệp đặt mục tiêu phần mềm quản lý khách hàng, chăm sóc khách hàng, tự động hóa…, những phần mềm và công cụ mới này đều có công đoạn phải đào tạo người sử dụng. Các doanh nghiệp đều có thời gian để chuẩn bị nguồn nhân lực nhằm đáp ứng đòi hỏi nhu cầu đổi mới trong hệ thống quản trị để đáp ứng công nghệ
Theo: Nhịp sống kinh doanh
Thông báo mới nhất
Tin nổi bật
28/08/2024, 13:13
22/08/2024, 16:20
12/08/2024, 11:18
WEBSITE LIÊN KẾT
Thông kê truy cập
Đang trực tuyến | 1 | |
Hôm nay | 11 | |
Tổng lượt truy cập | 188,136 |
Tin liên quan