Ngày đăng: 28/03/2022
Những con số về đầu tư bất động sản trong quý IV/2021 và ngay trong tháng đầu năm 2022 đã phát đi tín hiệu cho thấy lĩnh vực này đang tăng trưởng mạnh mẽ.
Bất động sản đã vươn lên vị trí thứ hai trong số 15 ngành đón dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tháng 1/2022. Từ thứ hạng thứ 3, bất động sản tăng 1 bậc nhờ thu hút được dòng vốn FDI hơn 472 triệu USD trong tháng 1, gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm trước và chiếm gần 22,5% tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký. Kết quả này giúp bất động sản chỉ đứng sau ngành công nghiệp chế biến - chế tạo trong thu hút FDI.
Bất động sản được dự báo tăng trưởng mạnh trong năm 2022
Thực tế, kết quả thu hút hơn 472 triệu USD của bất động sản được tiếp sức bởi mảng góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với dòng tiền hơn 347 triệu USD, chiếm 73% tổng vốn FDI đăng ký vào bất động sản. Trong đó, khoản góp vốn, mua cổ phần trị giá trên 334 triệu USD của nhà đầu tư Singapore vào Công ty cổ phần Kinh doanh bất động sản MV2 Việt Nam là lực kéo chính và đây cũng là nhân tố giúp vốn đầu tư nước ngoài vào Hà Nội tăng mạnh trong tháng 1, theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Trước đó, quý IV/2021 ghi nhận thị trường bất động sản ấm trở lại với lượng dự án được cấp phép mới tăng lên. Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, trong quý IV/2021, khi các địa phương gỡ bỏ dần các biện pháp hạn chế chống dịch, đồng thời kích hoạt trở lại hoạt động sản xuất và phát triển kinh tế trong bối cảnh bình thường mới, hoạt động đầu tư, kinh doanh và thị trường bất động sản đã có nhiều khởi sắc và phát triển hơn so với quý trước.
Đáng chú ý là phân khúc căn hộ chung cư có thêm 49 dự án được cấp phép mới, với nguồn cung dự kiến 15.169 căn hộ, tăng khoảng 125,6% so với quý III/2021. Trong đó, miền Bắc có 24 dự án với 3.657 căn hộ chung cư được cấp phép, miền Trung có 6 dự án với 1.814 căn hộ chung cư và miền Nam với 19 dự án và 9.698 căn hộ chung cư. Phân khúc nhà ở xã hội cũng có thêm 3 dự án mới được cấp phép tại Bình Dương, Hà Nội, Lạng Sơn, với tổng nguồn cung 3.361 căn hộ.
Điều đáng mừng là sau thời gian dài trầm lắng, phân khúc bất động sản du lịch cũng đón tín hiệu vui với 6 dự án nghỉ dưỡng mới, hứa hẹn cung ứng cho thị trường 3.545 căn hộ du lịch và 168 biệt thự du lịch. Các dự án tập trung tại Hòa Bình (3 dự án), Bình Định, Ninh Thuận và Hà Tĩnh.
Theo ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn, nhưng bất động sản nhà ở vẫn có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là tại các tỉnh, thành phố lớn. Trong năm qua, giá bất động sản tăng 30-40% ở hầu hết phân khúc.
Nhà đầu tư đang có xu hướng mở rộng tài sản đầu tư là quỹ đất ở các thành phố vệ tinh xung quanh Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM và Nha Trang. Quỹ đất lớn là yếu tố mà họ rất quan tâm để mở rộng khu đô thị sau này, đặc biệt là dọc theo những tuyến đường của các thành phố có đường bờ biển dài.
“Việt Nam có dân số gần 100 triệu, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình trong nhiều năm qua ở mức xấp xỉ 6-7%. Đây là cơ hội mà nhà đầu tư trong và ngoài nước không thể bỏ qua để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân”, ông Khương nói.
Ông Khương cũng lưu ý, đối với thị trường bất động sản Việt Nam, sau những đợt khủng hoảng về tài chính, kinh tế, dịch bệnh, thì dường như sức nén về đầu tư sẽ được bung ra. Trong năm 2022 - 2023, chứng khoán và bất động sản nhà ở sẽ còn tăng trưởng mạnh.
Để thị trường phát triển lành mạnh, ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Vietnam khuyến nghị: “Các cơ quan chức năng cần tiếp tục duy trì việc cải cách môi trường đầu tư trong nước một cách phù hợp để trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư quốc tế. Việc xác định chính xác các vấn đề lớn của thị trường và tìm cách giải quyết sẽ giúp khơi thông nút thắt. Nỗ lực cải cách thủ tục hành chính theo hướng rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, chi phí trong đầu tư, xây dựng các dự án bất động sản cũng sẽ mang lại hiệu quả tốt đối với việc thu hút đầu tư”.
Thêm vào đó, hệ thống hạ tầng cũng cần được đầu tư đồng bộ, tạo điều kiện để thị trường bất động sản phát triển sôi động hơn. Mặt khác, bản thân các doanh nghiệp bất động sản phải đổi mới phương thức hoạt động, ứng dụng công nghệ mới… Những nỗ lực này sẽ giúp thị trường tiếp tục phát triển vững chắc, tạo đà thu hút nhiều vốn FDI trong năm 2022.
Về vấn đề trên, Bộ Xây dựng đã đề nghị các địa phương thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ về tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương. Trong đó, tập trung tháo gỡ vướng mắc pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án bất động sản, dự án nhà ở để tăng nguồn cung, tạo điều kiện phát triển các dự án nhà ở thương mại giá rẻ cho đối tượng thu nhập trung bình, điều chỉnh cơ cấu thị trường nhà ở, bất động sản cho phù hợp nhu cầu của thị trường.
Khẩn trương xây dựng, phê duyệt chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương giai đoạn 2022 - 2025 và giai đoạn 2022 - 2030 để có cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư triển khai dự án phát triển nhà ở trên địa bàn.
Ngoài ra, triển khai thực hiện các chính sách, văn bản pháp luật về đầu tư, xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản mới ban hành. Công bố công khai và tổ chức thực hiện liên thông, rút ngắn thời gian quá trình xem xét, giải quyết thủ tục hành chính trong cấp mới, điều chỉnh, kiểm tra, rà soát dự án kinh doanh bất động sản.
Theo: Baodautu
Thông báo mới nhất
Tin nổi bật
28/08/2024, 13:13
22/08/2024, 16:20
12/08/2024, 11:18
WEBSITE LIÊN KẾT
Thông kê truy cập
Đang trực tuyến | 1 | |
Hôm nay | 6 | |
Tổng lượt truy cập | 188,131 |
Tin liên quan