Ngày đăng: 28/06/2023
Trong chuyến thăm Việt Nam lần đầu sau đại dịch, ông Matthew Bouw, CEO Cushman & Wakefield Châu Á Thái Bình Dương đã có những chia sẻ về tình hình Bất động sản thương mại toàn cầu, góc nhìn của nhà đầu tư tổ chức về Việt Nam và lý do ông cho rằng đây sẽ là thập kỷ tươi sáng cho thị trường bất động sản Châu Á Thái Bình Duơng.
Ông Matthew Bouw, CEO Cushman & Wakefield Châu Á Thái Bình Dương.
Thị trường bất động sản thương mại toàn cầu đang có diễn biến như thế nào?
Ông Matthew Bouw: Thị trường bất động sản thương mại trên toàn thế giới đã có một khởi đầu nhiều thử thách trong năm nay. Tính riêng hoạt động trong lĩnh vực mua bán sáp nhập bất động sản thương mại, và một phần ở phân khúc cho thuê, đã trải qua nhiều thăng trầm trong quý đầu năm nay. Điển hình, tổng giá trị giao dịch tính riêng ở Mỹ đã giảm 50%, tỷ lệ này đã chạm mức có thể so sánh được với thời kỳ Khủng Hoảng Tài Chính Thế Giới. Hiện tượng này đang xảy ra vì một số lý do.
Thứ nhất, doanh số bán bất động sản thương mại suy giảm chủ yếu do sự bất ổn trong nền kinh tế khi lạm phát và lãi suất tăng. Điều này xảy ra bởi hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới đã được tận hưởng lãi suất thấp và lạm phát tương đối ổn định trong một thời gian dài. Tình hình cũng trở nên tồi tệ do tác động của cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ, tạo ra nhiều lo lắng và bất an hơn cho các nhà đầu tư bất động sản thương mại.
Thứ hai, mặc dù vẫn còn một nguồn vốn lớn đang tìm đường triển khai vào thị trường bất động sản thương mại, nhưng việc định giá đang trở thành vấn đề nan giải. Rất khó định giá một tài sản khi không thể dự báo chi phí vốn dài hạn, một hạng mục chịu ảnh hưởng lớn bởi triển vọng lãi suất và lạm phát, bên cạnh các yếu tố khác. Ở hầu hết các thị trường trên toàn cầu, vẫn khó dự báo liệu lãi suất đã đạt đỉnh hay chưa và chúng sẽ duy trì ở mức cao trong bao lâu.
Vì những bất ổn kinh tế kể trên, cùng với những thách thức xung quanh việc dự đoán triển vọng dài hạn về lãi suất và lạm phát, các nhà đầu tư không muốn mua bất động sản thương mại trừ khi được điều chỉnh về giá. Tuy nhiên, hầu hết các bên bán đang không muốn giảm giá, đặc biệt là khi trên thị trường chưa có giao dịch tương tự làm chuẩn. Điều này về cơ bản được gọi là chênh lệch kỳ vọng giá mua-giá bán.
Thị trường sẽ mất bao lâu để phục hồi?
Ông Matthew Bouw: Điều quan trọng cần lưu ý là từng phân khúc bất động sản thương mại sẽ hoạt động khác nhau tùy theo thị trường địa phương và theo loại tài sản. Ví dụ, thị trường văn phòng tại TP.HCM khác với thị trường văn phòng tại Hà Nội và hiệu quả hoạt động thường cũng sẽ có sự chênh lệch. Bởi vì động lực của các thị trường là khác nhau, nên rất khó để dự đoán tốc độ phục hồi của thị trường bất động sản toàn cầu nói chung.
Tuy nhiên, nhìn chung, mảng công nghiệp và hậu cần đang hoạt động tốt hơn hầu hết các loại tài sản khác do tác động của các yếu tố như sự phát triển của ngành giải trí trực tuyến, thương mại điện tử, ngân hàng trực tuyến, internet vạn vật, 5G,... đang thúc đẩy nhu cầu về các tài sản như trung tâm dữ liệu, hậu cần chặng cuối và nhà kho. Do đó, công nghiệp và logisitics có vị thế tốt hơn để vượt qua khó khăn và phục hồi nhanh hơn trong tình hình kinh tế hiện nay.
Có rào cản nào đang làm chùn chân nhà đầu tư, bên cạnh khác biệt về kỳ vọng giá?
Ông Matthew Bouw: Thị trường Việt Nam đang trở thành một thị trường có nhiều tổ chức đầu tư hơn, đó là một điều rất đáng mừng.
Khoảng 2 tháng trước, ở trụ sở Cushman & Wakefield ở Singapore, chúng tôi đã mở sự kiện chào đón 80 nhà đầu tư tổ chức lớn nhất thế giới, nhiều trong số đó là nhà đầu tư châu Á. Trong sự kiện này, chúng tôi thăm dò ý kiến của các lãnh đạo công ty về các thị trường đầu tư bất động sản ưa thích của họ và câu trả lời đa số gọi tên Nhật Bản, Úc và Việt Nam.
Tâm lý tích cực dành cho Việt Nam là nhờ lĩnh vực sản xuất đang phát triển nhanh và các chỉ số cơ bản tiềm năng như dân số trẻ, tỷ lệ đô thị hóa nhanh và tầng lớp trung lưu đang trên đà tăng trưởng.
Thêm vào đó, các nhà đầu tư tổ chức sẽ luôn nhắm đến các thị trường ổn định và đáng tin cậy. Tôi nhận thấy nhiều nghị định và quy định mới được ban hành tại Việt Nam, bên cạnh nhiều sáng kiến tích cực khác mà chính phủ đang thực hiện để cải thiện tính minh bạch, chấp hành pháp luật cũng như môi trường kinh doanh nói chung. Những sáng kiến này là một bước tích cực để Việt Nam trở thành một thị trường đầu tư hấp dẫn cho nhà đầu tư bất động sản thương mại.
Về phía khách thuê, thật thú vị khi thấy nhiều công ty đa quốc gia lớn đang thành lập tại đây như Lego, Panasonic, Samsung, LG, Sharp,... Đây là một dấu hiệu thực sự tích cực cho các nhà đầu tư tổ chức vì khách thuê đi đâu, các nhà đầu tư tổ chức sẽ theo chân đến đó.
Việt Nam đứng ở vị trí nào đối với nhà đầu tư khi so sánh với các thị trường khác?
Ông Matthew Bouw: Vốn đầu tư tổ chức đã thâm nhập và hoạt động sôi nổi ở nhiều thị trường lớn trên khắp Châu Á Thái Bình Dương như Trung Quốc, Nhật Bản, Úc và Singapore.
Ở Ấn Độ, mặc dù đã có một lượng vốn đáng kể từ các nhà đầu tư tổ chức đang hoạt động tại đây, nhưng tổng giá trị của thị trường vẫn còn tương đối nhỏ khi so với các thị trường lớn khác. Ở Đông Nam Á, Việt Nam và Philippines là hai trong số những thị trường mới nổi được săn đón nhiều nhất.
Tôi thấy có nhiều điểm tương đồng giữa cách các nhà đầu tư tổ chức tiếp cận thị trường Ấn Độ và Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư tổ chức lớn đã gia nhập thị trường Ấn Độ thông qua việc hợp tác với các nhà phát triển và doanh nghiệp địa phương.
Các thị trường mới nổi rất đa sắc thái và phức tạp, vì vậy các nhà đầu tư cần thành lập quan hệ đối tác với doanh nghiệp địa phương để hỗ trợ trong việc xin giấy phép, tìm nguồn nguyên liệu và tìm kiếm nhân tài. Đó là cách dễ dàng hơn cho các nhà đầu tư tổ chức, vì vậy chúng ta vẫn sẽ chứng kiến những mối quan hệ hợp tác sẽ tiếp tục đà phát triển trong lúc thị trường Việt Nam dần trưởng thành.
Đâu là vị trí của Việt Nam trong mắt nhà đầu tư, nhất là so với các nước trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương?
Ông Matthew Bouw: Tôi nghĩ rằng đây là thập kỷ của Châu Á Thái Bình Dương. Khu vực này có lượng dân số đông nhất thế giới với ít nhất 50% dân số thế giới sống ở đây – và hiện đây là khu vực lớn nhất và phát triển nhanh nhất trên thế giới tính theo GDP. Châu Á Thái Bình Dương cũng có tầng lớp trung lưu phát triển nhanh nhất và tốc độ đô thị hóa nhanh nhất. Đến năm 2029, ba trong số bốn nền kinh tế hàng đầu thế giới – Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ – sẽ nằm ở châu Á. Tất cả những yếu tố này sẽ thúc đẩy nhu cầu lớn đối với tài sản bất động sản thương mại trên toàn khu vực.
Ở Mỹ, 22% số người đi làm là làm việc trong văn phòng. Ở châu Á, con số này là khoảng 8%. Khi thị trường trưởng thành, sẽ có nhiều nhân viên làm việc ở văn phòng hơn, thúc đẩy nhu cầu về không gian văn phòng ngày càng tăng. Khi tầng lớp trung lưu tăng lên, họ cũng sẽ cần nhiều dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nhà ở, sản xuất… Tất cả những yếu tố thuận lợi về nhân khẩu học và kinh tế này sẽ thúc đẩy hoạt động bất động sản thương mại, đặc biệt là ở những thị trường đông dân cư, với dân số trẻ hơn và có tốc độ đô thị hóa cao.
Các nhà đầu tư sẽ luôn tìm kiếm một nơi an toàn để đầu tư mang lại sự tăng trưởng. Nếu cơ sở hạ tầng được thiết lập để cho phép đầu tư, bạn sẽ thấy sự tăng trưởng vượt bậc ở các thị trường như Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines và Việt Nam. Việt Nam sẵn có các động lực tăng trưởng và có thể trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn hơn nữa nếu không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh.
Làm sao để Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước khác?
Ông Matthew Bouw: Việt Nam cần tiếp tục khẳng định mình là một điểm đến tuyệt vời để đầu tư với các quy định và tuân thủ phù hợp cũng như cơ sở hạ tầng tốt, nơi các nhà đầu tư có thể xin giấy phép và triển khai dự án một cách nhanh chóng. Vẫn có rất nhiều cơ hội nằm trong lĩnh vực công nghiệp và hậu cần, sản xuất cao cấp và trung tâm dữ liệu đang phát triển.
Trong hai năm gần đây, lượng dữ liệu được lưu trữ trên thế giới đã tăng gấp đôi. Với sự phát triển của trò chơi trực tuyến, thương mại điện tử và điện toán đám mây nói chung, Việt Nam có thể trở thành một trung tâm tập hợp các ngành công nghệ đang lên đó.
Bằng cách duy trì các động lực tăng trưởng kèm theo các yếu tố hỗ trợ cần thiết – quy định, tính minh bạch, tính tuân thủ... – để tạo điều kiện cho sự tăng trưởng, Việt Nam sẽ có thể tăng khả năng cạnh tranh trong khu vực và thậm chí trở nên hấp dẫn hơn so với đối thủ trong mắt các nhà đầu tư.
Có đúng là thị trường mới nổi tồn tại nhiều rủi ro hơn không?
Ông Matthew Bouw: Nói chung, chắc chắn các thị trường mới nổi tồn tại rủi ro hơn thị trường đã phát triển. Nhưng khi thị trường trưởng thành, rủi ro thường giảm xuống. Chúng ta đang thấy điều đó với Ấn Độ.
Việt Nam làm tôi nhớ đến Ấn Độ cách đây 6-7 năm. Ấn Độ là một cường quốc kinh tế, và hiện tại Cushman & Wakefield có hơn 4000 nhân viên làm việc ở đây. Đất nước này liên tục cải thiện để giúp cho hoạt động kinh doanh trở nên dễ dàng hơn và thứ hạng của họ trên bảng Chỉ số Thuận lợi Kinh doanh và Chỉ số Tham nhũng đã được cải thiện đáng kể trong 6-7 năm qua.
Những sáng kiến cơ sở hạ tầng đó thực sự quan trọng đối với nhà đầu tư tổ chức và các tập đoàn đa quốc gia. Giờ đây, chúng ta đang thấy Việt Nam đang làm điều tương tự và coi đó là một ưu tiên. Và điều đó cho thấy thị trường đang trưởng thành, và những tín hiệu đó cực kỳ tích cực đối với các nhà đầu tư tổ chức đang muốn thâm nhập và mở rộng hoạt động tại Việt Nam.
Theo Cafeland
Thông báo mới nhất
Tin nổi bật
28/08/2024, 13:13
22/08/2024, 16:20
12/08/2024, 11:18
WEBSITE LIÊN KẾT
Thông kê truy cập
Đang trực tuyến | 1 | |
Hôm nay | 1 | |
Tổng lượt truy cập | 188,998 |
Tin liên quan