Mới đây, Lễ ra mắt Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam (VNIC) đã diễn ra tại Hà Nội. Đây là một trong những Tập đoàn được coi là mạnh nhất ở nước ta trên cơ sở hợp nhất 6 Tổng công ty mạnh trong lĩnh vực công nghiệp xây dựng gồm: TCty Sông Đà, TCty Lắp máy VN (Lilama); TCty Xây dựng và phát triển hạ tầng (Licogi); TCty Đầu tư- phát triển xây dựng (DIC); TCty Cơ khí xây dựng (Coma) và TCty Sông Hồng, trong đó TCty Sông Đà giữ vai trò nòng cốt. Nhân dịp này, ông Lê Văn Quế, Chủ tịch Tập đoàn VNIC đã trả lời phỏng vấn Tạp chí Sông Đà xung quanh các nội dung trên..
- Thưa ông: Dường như Định hướng chiến lược của Tập đoàn VNIC trùng với Định hướng chiến lược phát triển của đất nước?
Đúng vậy, định hướng chiến lược của VNIC sẽ phát triển trở thành tập đoàn kinh tế mạnh, có quy mô và vốn lớn, công nghệ hiện đại, đa sở hữu, đa ngành nghề, trong đó mũi nhọn là xây lắp, sản xuất công nghiệp và cơ khí chế tạo, nhằm nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả sản xuất kinh doanh, để vừa thực hiện được các mục tiêu kinh tế của đất nước vừa cạnh tranh được với các tập đoàn nước ngoài. Đồng thời tạo điều kiện cần thiết thúc đẩy ngành công nghiệp xây dựng Việt Nam phát triển, góp phần đáng kể vào sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Định hướng chiến lược phát triển này cũng chính là định hướng phát triển của đất nước mà Đảng ta đã đề ra.
- Vậy mục tiêu của VNIC trong những năm tới là gì thưa ông?
Theo chiến lược đề ra, đến năm 2015, VNIC sẽ trở thành tập đoàn công nghiệp mạnh của khu vực cả về cơ khí chế tạo, sản xuất công nghiệp và nhà tổng thầu EPC với tổng tài sản lên tới 128.000 tỉ đồng (khoảng 7 tỉ USD) với 111.000 cán bộ, công nhân. Trong đó, VNIC sẽ trở thành nhà sản xuất lớn của đất nước, nhà chế tạo cơ khí và tổng thầu EPC mạnh của khu vực. Hiện VNIC có 6.600 tỉ đồng vốn điều lệ (tương đương 360 triệu USD), vốn chủ sở hữu 18.000 tỉ đồng, tổng tài sản 68.000 tỉ đồng cùng 90.000 kỹ sư, công nhân. Đến năm 2020, VNIC sẽ trở thành một trong những tập đoàn mạnh của thế giới với tổng giá trị tài sản là 11 tỷ USD, doanh thu khoảng 175.000 tỷ đồng (tương đương 9,5 tỷ USD). Tổng số cán bộ nhân viên lên đến 140.000 người. Hiện nay vốn bình quân của các tập đoàn trên thế giới là 500 triệu USD. Lúc đó, VNIC sẽ trở thành nhà sản xuất lớn, nhà chế tạo và nhà tổng thầu EPC hàng đầu khu vực và thế giới. Không giống như các tập đoàn kinh tế khác như dầu khí, điện, than, dệt may , cao su…trở thành tập đoàn trên cơ sở một tổng công ty và chỉ một lĩnh vực hoạt động, còn VNIC thành lập tập đoàn trên cơ sở hợp nhất 6 Tổng công ty mạnh trong lĩnh vực công nghiệp xây dựng.
Các thành viên HĐQT trong Lễ ra mắt Tập đoàn VNIC
- Tiêu chí hoạt động và việc tổ chức bộ máy của Tập đoàn sẽ thế nào?
Tuy là 6 tổng công ty song chúng tôi đều hoạt động trong lĩnh vực xây lắp, đều ra đời từ những năm 50, 60 của thế kỷ trước. Hơn thế, chúng tôi từng gắn bó, đồng cam cộng khổ trên các công trình xây dựng nên rất hiểu điểm mạnh, điểm yếu của nhau. Vì vậy, việc thành lập tập đoàn sẽ là nơi quy tụ sức mạnh của 6 thành viên. Bộ máy của VNIC hoạt động sẽ được phân công theo yêu cầu công việc, theo sở trường, thế mạnh. Sông Đà được phân công làm nòng cốt của tập đoàn, song chúng tôi vẫn xây dựng lôgô chung, lá cờ chung, không ai đứng cao hơn ai, mọi thành viên đều bình đẳng và có trách nhiệm như nhau. Phương châm hành động của chúng tôi gói gọn trong 8 chữ: “Tập trung, lựa chọn, phân công, thực hành”. Tập đoàn mạnh, các thành viên sẽ mạnh.
- Có ý kiến cho rằng: Sông Đà làm nòng cốt và chỉ mạnh về xây dựng. Vì vậy lĩnh vực chế tạo cơ khí và tổng thầu sẽ bị coi nhẹ. Ông nghĩ thế nào về ý kiến trên ?
Tôi không đồng ý với ý kiến đó. Chiến lược phát triển của tập đoàn là đến năm 2020 sẽ đưa VNIC trở thành nhà chế tạo và tổng thầu EPC mạnh ở khu vực và trên thế giới. Như vậy đây là lĩnh vực rất quan trọng và hàng đầu của VNIC. Đồng chí Phạm Hùng, TGĐ Lilama, Phó Chủ tịch Tập đoàn được phân công phụ trách hai lĩnh vực này. Chiến lược phát triển ngành cơ khí mà Đảng ta đưa ra với 8 nhóm cơ khí trọng điểm mới chỉ có ngành ô tô đạt được. Hy vọng với “ngôi sao sáng” trong lĩnh vực cơ khí và tổng thầu EPC, Lilama sẽ góp phần thúc đẩy ngành cơ khí VN phát triển hơn. Mới đây, HĐQT VNIC đã họp phiên đầu tiên với 8 vấn đề được các thành viên nhất trí cao.
- Người ta nói rằng: tài sản quý nhất và lớn nhất của doanh nghiệp xây lắp là con người, là người thợ. Với tư cách là người cao nhất của VNIC, ông nói gì về họ?
Không chỉ Sông Đà mà nhiều năm nay, các doanh nghiệp xây lắp đều coi người thợ là tài sản quý nhất và lớn nhất. Trải qua hàng chục năm xây dựng và trưởng thành, hơn 90.000 người lao động đã vượt qua muôn ngàn gian khó, vươn lên làm chủ công việc, làm chủ kỹ thuật công nghệ, làm chủ vận mệnh của mình và ngày nay họ đã trở thành những tập thể lao động giỏi, giám đốc năng động, công nhân giỏi nghề, chuyên nghiệp. Họ đã để lại sau lưng mình hàng ngàn công trình lớn nhỏ trên khắp cả nước và là tài sản quý giá làm nên giá trị vật chất, tinh thần, làm nên thương hiệu và sức mạnh của các doanh nghiệp. Từ vị trí làm thuê, ngày nay các doanh nghiệp xây lắp đã vươn lên làm chủ thực sự, đầu tư, kinh doanh các dự án lớn trong nhiều lĩnh vực. VNIC sẽ chăm lo người thợ đến mức cao nhất, đào tạo và đào tạo lại để người lao động ngày càng gắn bó với nghề và cống hiến nhiều hơn. Với VNIC: Công việc là cốt lõi, văn hóa là gắn kết.
Trần Thị Sánh thực hiện.
Tin liên quan