CÔNG TY CỔ PHẦN SJ GROUP

024.3768.5592


'Đường phục hồi của bất động sản bớt khó'

Ngày đăng: 25/01/2024

Hành lang pháp lý dần hoàn thiện sau khi loạt Luật mới được ban hành, tín dụng cũng thoáng hơn, có thể giúp hành trình phục hồi của bất động sản bớt khó thời gian tới, theo các chuyên gia.

Tại diễn đàn về thị trường bất động sản năm 2024 do Báo Xây dựng phối hợp Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức ngày 18/1, các chuyên gia cho rằng thị trường địa ốc sẽ "sáng" hơn sau khi khung pháp lý được hoàn thiện.

Ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản, cho biết dù Luật Nhà ở, Kinh doanh bất động sản và Luật Đất đai sửa đổi phải đến 1/1/2025 mới có hiệu lực, về cơ bản năm 2024 đã là bước chạy đà phù hợp để thị trường đi đến khởi sắc khi những thay đổi về luật chính thức vận hành.

"Thị trường đã có dấu hiệu sáng lên trong nửa cuối năm 2023, các vướng mắc pháp lý liên quan đến bất động sản cũng đã tháo gỡ được 70%. Vậy nên khi khung pháp lý hoàn thiện và có hiệu lực, thời điểm vượt qua khó khăn sẽ không còn xa", ông nói.

Bất động sản khu Tây TP HCM, đoạn qua huyện Bình Chánh tháng 10/2023. Ảnh: Quỳnh Trần

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIBV, cho rằng chưa bao giờ thị trường chứng kiến cùng lúc 3 bộ luật quan trọng về bất động sản được sửa đổi và có hiệu lực cùng lúc. Sự đồng bộ và nhất quán của các chính sách luật sẽ làm tăng tính công khai và giúp thị trường phát triển minh bạch.

"10 điểm mới của Luật Nhà ở, 13 điểm mới của Luật Kinh doanh bất động sản và hàng loạt các điều chỉnh trong Luật Đất đai sẽ góp phần giải quyết những tồn đọng đang gây khó khăn của ngành thời gian tới", ông Lực nhấn mạnh.

Phó chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam Lê Viết Hải, cũng cho biết nhiều áp lực được giảm tải khi các Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh Bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi được thông qua. Nhiều thay đổi tích cực trong luật đã giải quyết những vấn đề tồn đọng nhiều năm liên quan đến sự tồn vong của doanh nghiệp bất động sản.

Theo ông, sự cải thiện trong quy định về thuế và phí sẽ giúp tăng cường tính minh bạch, an toàn pháp lý cho người mua và bán bất động sản, từ đó tạo niềm tin, ổn định thị trường. Các quy định mới về quản lý và sử dụng đất đai cũng sẽ hỗ trợ quy hoạch và phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường nhà đất.

Dưới góc nhìn của đơn vị môi giới, ông Mai Viết Vĩnh, Chủ tịch Mai Việt Land, cho rằng vùng đáy của thị trường bất động sản rơi vào nửa đầu năm 2023. Đây là giai đoạn nhiều khó khăn khi các sàn phải đóng cửa, môi giới bỏ nghề. Nhưng từ cuối năm ngoái, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ phát huy hiệu quả, thị trường có dấu hiệu hồi phục và bắt đầu tốt dần lên.

Theo ông, năm 2024 đà phục hồi sẽ tiếp diễn rõ nét dù không mạnh. Nguồn lực tài chính rót vào thị trường có khởi sắc, đầu tư cơ sở hạ tầng cũng được Chính phủ chú trọng.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đồng tình với các quan điểm của chuyên gia, cho rằng thị trường đã có nhiều chuyển biến tích cực, nguồn cung từng bước cải thiện, dòng vốn dần khơi thông. Theo đó, quý IV/2023, cả nước có 20 dự án mới (trên 11.500 căn) được cấp phép xây dựng; 47 dự án (hơn 14.500 căn) được phép bán nhà hình thành trong tương lai. Nguồn cung nhà ở thương mại đã tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ 2022.

Xét về dòng vốn, tính đến đầu tháng 12 năm ngoái, ông cho biết dư nợ tín dụng của hoạt động kinh doanh bất động sản đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, tăng so với giai đoạn trước. Nguồn tài chính đổ vào địa ốc bắt đầu sôi động hơn. Hoạt động phát hành trái phiếu liên quan đến bất động sản năm qua là 73.200 tỷ đồng, tăng 40,8% so với năm 2022. Vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực này cũng tăng 4,8% so với năm trước, đứng thứ 2 với tổng số vốn gần 4,67 tỷ USD.

"Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, những thay đổi tích cực từ chính sách điều hành, hoàn thiện pháp lý kỳ vọng tạo đà phục hồi cho thị trường bất động sản 2024", ông Sinh cho hay.

Để góp phần cho đà phục hồi tốt hơn, Thứ trưởng đề nghị các doanh nghiệp tập trung hoàn thành các dự án đang dang dở, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phân khúc giá rẻ để tăng tính thanh khoản. Bên cạnh đó cần chủ động đa dạng hóa nguồn vốn, huy động vốn gắn với mục đích sử dụng vốn cụ thể, giảm đòn bẩy tài chính, hạn chế đầu tư dàn trải. Đặc biệt, phải đảm bảo chất lượng sản phẩm và tính pháp lý cho dự án.

Để bước gần đến sự phục hồi, ông Mai Viết Vĩnh cũng cho rằng trước hết cần sớm lấy lại niềm tin, kéo người mua nhà trở lại với bất động sản. Muốn làm điều này, các chủ đầu tư nên cơ cấu lại nguồn cung, chất lượng sản phẩm, đặc biệt là minh bạch và hoàn thiện mặt pháp lý cho các dự án. "Giải quyết được những vấn đề này, cơ hội phục hồi trong năm 2024 sẽ lớn hơn", ông Vĩnh nhấn mạnh.

Theo ông Lê Viết Hải, năm 2024 bất động sản đô thị có thể phục hồi, bất động sản công nghiệp có nhiều cơ hội phát triển nhưng riêng bất động sản nghỉ dưỡng vẫn cần một vài năm nữa. Còn ông Hoàng Hải thì nhận định năm 2024 sẽ có ba điểm sáng là bất động sản công nghiệp và nhà ở giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội.

Theo VNE

Tag: sudico, ,

Thông kê truy cập

Đang trực tuyến 1
Hôm nay 42
Tổng lượt truy cập 180,203
Thong ke