Ngày đăng: 09/07/2014
TCT Sông Đà là doanh nghiệp hoạt động đa ngành bao gồm xây dựng EPC, sản xuất điện, cơ khí chế tạo và phát triển đô thị, vật liệu xây dựng… Trong thời gian gần đây, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường, TCT Sông Đà cũng như các Doanh nghiệp nhà nước khác đang phải đối mặt với những thách thức về tài chính, chiến lược, vận hành và quản trị. Những thách thức này đang làm ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh cũng như vị thế doanh nghiệp đã đạt được và phát triển bền vững của doanh nghiệp, cụ thể:
- Tình hình tài chính đang chịu tác động mạnh bởi kết hợp ba yếu tố: doanh thu tăng trưởng chậm, chi phí lãi vay và các loại chi phí khác tăng cao.
- Về mặt chiến lược, danh mục kinh doanh có mức độ phân tán lớn, đầu tư thiếu tập trung, nhiều đơn vị hoạt động trên quy mô nhỏ và không thực sự hiệu quả. Hiện tượng cạnh tranh nội bộ ngày càng cao.
- Về mặt tổ chức, có sự trùng lặp hoạt động của các chức năng tại công ty mẹ, công ty con, công ty liên kết và các công ty cấp dưới.
- Về mặt hiệu quả kinh doanh, đơn vị hoạt động chưa hiệu quả.
- Hệ thống quản trị chưa đáp ứng yêu cầu.
TCT Sông Đà đã được Chính phủ Việt Nam lựa chọn tham gia Dự án 1 Chương trình “Cải cách doanh nghiệp nhà nước và hỗ trợ quản trị công ty” do Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) tài trợ. TCT Sông Đà đã xây dựng Đề án “Tái cấu trúc TCT Sông Đà giai đoạn 2012-2015, tầm nhìn đến 2020” và được Bộ Xây dựng phê duyệt theo Quyết định số 50/QĐ-BXD ngày 15/01/2013.
Ngày 16/10/2013, HĐTV TCT Sông Đà đã có Quyết định số 463/TCT-HĐTV phê duyệt “Kế hoạch thực hiện Đề án tái cấu trúc TCT Sông Đà giai đoạn 2012-2015, tầm nhìn đến 2020”. Đề án tái cấu trúc và quá trình thực hiện đề án sẽ dẫn tới các thay đổi có khả năng tác động đến nhiều mặt hoạt động của TCT trong giai đoạn hiện nay và ngay tới đây. Nhiệm vụ chính của việc tái cấu trúc có thể được kể đến như sau:
1. Tái cấu trúc về ngành kinh doanh: Tập trung vào ngành kinh doanh chính, thoái vốn đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính và kém hiệu quả.
- TCT Sông Đà sẽ tái cấu trúc và tập trung vào 3 ngành kinh doanh chính bao gồm: (1) Ngành tổng thầu xây dựng và tổng thầu EPC; (2) Ngành Điện, (3) Ngành Phát triển đô thị và nhà ở và tiến hành hoái toàn bộ những khoản đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính hoặc đơn vị hoạt động không hiệu quả.
- Thoái vốn các khoản đầu tư tài chính và tại doanh nghiệp hoạt động ngoài ngành kinh doanh chính và hoạt động hiệu quả thấp.
2. Tái cấu trúc về tổ chức: Xây dựng tổ chức xoay quanh 3 ngành kinh doanh chính và kiểm soát 4 quy trình trọng yếu; cơ cấu tổ chức theo thông lệ tốt, bộ máy quản lý tinh gọn, hiệu quả.
- Sông Đà lựa chọn mô hình quản lý là nhà kiểm soát chiến lược, theo đó công ty mẹ sẽ kiểm soát 4 vấn đề trọng yếu gồm: (1) Lựa chọn danh mục kinh doanh và phân bổ vốn; (2) Chiến lược; (3) Nhân sự và (4) Quản lý hiệu quả hoạt động của các công ty con và ngành kinh doanh; Sông Đà từng bước kiểm soát các quy trình này và hoàn chỉnh vào năm 2017.
- Cơ cấu tổ chức tại công ty mẹ xoay quanh 3 ngành kinh doanh chính; Tinh gọn bộ máy và tập trung đầu mối quản lý, tương ứng với tiến độ sáp nhập các công ty trong ngành kinh doanh chính.
- Tái cấu trúc tổ chức các đơn vị thuộc 3 ngành kinh doanh theo hướng thông lệ tốt của ngành và hướng tới hợp nhất thành 01 công ty trong 01 ngành kinh doanh chính. Tiến độ phù hợp với tiến độ sáp nhập các công ty và mua cổ phần tăng tỷ lệ sở hữu tại một số công ty thuộc ngành kinh doanh chính
3. Tái cấu trúc về tài chính: Tiếp tục tăng trưởng doanh thu, lấy ngành tổng thầu xây dựng và tổng thầu EPC và sản xuất điện làm động lực tăng trưởng; hoàn thành cổ phần hóa công ty mẹ vào năm 2015 và nâng cao sức cạnh tranh, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của TCT.
- Lành mạnh hóa về tài chính
- Đảm bảo hoạt động kinh doanh đạt mục tiêu đặt ra trong quá trình tái cấu trúc, bao gồm doanh thu và lợi nhuận.
- Đảm bảo thực hiện cổ phần hóa TCT Sông Đà vào năm 2015.
- Tái cơ cấu các khoản nợ lãi suất cao, thời gian vay ngắn bằng các khoản vay với thời gian vay dài, lãi suất thấp.
4. Tái cấu trúc về quản lý của HĐTV/HĐQT: Áp dụng quy trình quản lý của HĐTV theo hướng thông lệ tốt nhằm nâng cao tính minh bạch; nâng cao hiệu quả quản trị và giám sát về chiến lược, tài chính, kiểm soát nội bộ và quản trị rủi ro.
5. Tái cấu trúc về quản trị doanh nghiệp: Xây dựng và phát triển hệ thống các quy trình quản lý chính yếu và được vận hành theo thông lệ tốt nhất về: tài chính, nhân sự, kiểm toán nội bộ, quản trị rủi ro, đấu thầu & lập dự toán, quản lý dự án, quản trị chiến lược, hệ thống thông tin, quản trị thương hiệu....
6. Tái cấu trúc về nguồn nhân lực:
- Xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng kịp thời chiến lược phát triển của doanh nghiệp và các ngành kinh doanh chính về số lượng và chất lượng.
- Cơ cấu lại lực lượng lao động, tinh giản bộ máy gián tiếp.
- Nâng cao năng lực của lực lượng lao động thông qua việc tuyển dụng, đào tạo, phát triển nghề nghiệp, chế độ đãi ngộ theo hiệu quả công việc.
7. Quản trị sự thay đổi: Kiểm soát và giảm thiểu các thách thức của sự thay đổi đồng thời đảm bảo sự thống nhất và ủng hộ trong quá trình triển khai thực hiện để hiện thực hóa thành công Đề án Tái cấu trúc Sông Đà.
Hiện tại lãnh đạo cấp cao nhất của TCT Sông Đà đã có sự cam kết và ủng hộ mạnh mẽ trong việc thực hiện các nhiệm vụ tái cấu trúc được thể hiện bằng những hành động cụ thể như: thành lập Ban chỉ đạo Tái cấu trúc doanh nghiệp và nâng cao quản trị công ty; bố trí nguồn nhân lực, tài chính để thực hiện kế hoạch tái cấu trúc; sử dụng tư vấn hỗ trợ thực hiện.... Để đảm bảo thực hiện đề án tái cấu trúc thành công cần có sự chấp nhận, ủng hộ sự thay đổi theo hướng tích cực của toàn thể cán bộ công nhân viên của TCT Sông Đà và sự ủng hộ của các Bộ, Ngành liên quan. Đề án Tái cấu trúc sẽ được thực hiện thành công với sự nỗ lực, đóng góp của mỗi cá nhân trong TCT vào quá trình này.
Thông báo mới nhất
Tin nổi bật
28/08/2024, 13:13
22/08/2024, 16:20
12/08/2024, 11:18
WEBSITE LIÊN KẾT
Thông kê truy cập
Đang trực tuyến | 1 | |
Hôm nay | 10 | |
Tổng lượt truy cập | 188,135 |
Tin liên quan