Con đập chính, dài khoảng gần 1km nối đôi bờ sông Đà như một bức tường
khổng lồ đã sừng sững mọc lên chặn dòng nước lại, cửa nhận nước, 6 đường
ống áp lực xuyên qua thân đập cũng đã hoàn thành. Phía dưới gian máy,
vị trí tổ máy số 1 và số 2 đã được lắp mái che, phục vụ cho việc lắp đặt
các thiết bị của 2 tổ máy.
Trao đổi với chúng tôi, kỹ sư Nguyễn Hoàng Cường - Giám đốc Cty TNHH TMV
Sông Đà 9.08, đơn vị chịu trách nhiệm thi công đập bê tông đầm lăn cho
biết: Để chuẩn bị cho việc nút cống phía thượng lưu thủy điện, các phần
việc chuẩn bị cho việc hạ tấm van thép nút cống dẫn dòng đã xong. Chiếc
cần trục do Việt Nam tự chế tạo và lắp đặt phục vụ cho việc nút cống đã ở
vào tư thế sẵn sàng. Sông Đà 9.08 không chỉ lo hoàn thiện các hạng mục
đắp đập ngăn sông, đảm bảo cho việc nút cống dẫn dòng tích nước ở cao
trình 190m, mà còn phải lo đốc thúc các đơn vị thi công tháo dỡ các hạng
mục công trình tạm, phục vụ thi công trên và dưới lòng hồ. Theo đó,
trước khi nút cống chặn dòng tích nước, sẽ phải làm sạch lòng hồ, đảm
bảo cho hoạt động đường thủy và việc vận hành nhà máy về sau.
Kỹ sư Đinh Văn Đại - Phó giám đốc Cty Sông Đà 9.08 nhấn mạnh thêm: Việc
nút cống chặn dòng tích nước phải được thực hiện trong thời điểm này,
tức là đầu mùa mưa lũ thì mới có thể tích đủ nước cho tổ máy số 1 đi vào
hoạt động cuối năm nay, cũng như làm công việc điều tiết cho hồ thủy
điện Hòa Bình ở phía hạ lưu. Để đạt được tiến độ ấy, mọi đơn vị thi công
cũng như mỗi công nhân phải rất nỗ lực. Điều đó không chỉ đơn giản là
làm nhiều, tăng ca liên tục mà nó còn đi kèm với trách nhiệm của mỗi
người trong công việc, trong từng phần việc.
Tại gian máy, trong thời tiết nóng bức của nắng gió phía Tây Nam và ngột
ngạt của khói hàn, anh Hoàng Xuân Trường vừa ngừng tay hàn, quệt những
giọt mồ hôi nóng hổi trên khuôn mặt đỏ bừng cho biết, anh từ Xuân Trường
- Nam Định lên xây dựng nhà máy này từ cuối năm 2006, anh bộc bạch:
“Khi mới lên đây, tôi cứ nghĩ không biết bao giờ công trình mới hoàn
thành. Vậy mà bây giờ nhìn lại đã thấy tổ máy số 1 chuẩn bị phát điện
rồi, có lẽ sẽ không lâu nữa chúng tôi lại ra đi, đến những nơi khác,
những nơi mà đồng bào và đất nước đang cần chúng tôi”.
Kỹ sư Nguyễn Thế Trinh - Giám đốc Chi nhánh Lilama 10 Sơn La, đơn vị
tham gia lắp đặt các thiết bị của Thủy điện Sơn La cho biết: Lilama 10
đang tổ hợp rôto và stato máy phát điện tổ máy số 1 và số 2. “Theo kinh
nghiệm, đảm bảo chắc chắn đến cuối năm tổ máy số 1 sẽ phát điện”.
Theo ông Trinh, để đảm bảo hoàn thành việc lắp đặt các thiết bị tổ máy
còn lại, cứ đủ mặt bằng là Lilama 10 tiến hành lắp đặt các thiết bị
ngay. Sau ngày công trường nút cống dẫn dòng tích nước hồ chứa, Lilama
10 sẽ điều thêm kỹ sư và công nhân tới công trường để đảm bảo tiến độ
lắp máy đề ra, phấn đấu để sau khi tổ máy số 1 phát điện, cứ 3 tháng lại
có một tổ máy phát điện.
Tin liên quan