Ngày đăng: 11/01/2010
Cuối tháng 12 này lò nung Nhà máy xi-măng Hạ Long sẽ được khởi động. Ðó là khẳng định của chủ đầu tư dự án cũng là tinh thần quyết tâm phấn đấu thực hiện bằng được mục tiêu này của các lực lượng xây dựng trên công trình.
Nhà máy xi-măng Hạ Long có công suất 2,1 triệu tấn/năm thuộc loại lớn nhất nước ta hiện nay, được đầu tư bằng nguồn vốn của hai cổ đông chính là Tổng công ty Sông Ðà và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam tổng số tiền lên đến hơn 6.000 tỷ đồng, thiết bị, dây chuyền công nghệ của hãng FL Smith Vương quốc Ðan Mạch. Công ty cổ phần xi-măng Hạ Long được thành lập và làm chủ đầu tư dự án dưới sự chi phối và điều hành của Tổng công ty Sông Ðà. Ðây là lĩnh vực hoạt động mới nhưng toàn bộ công tác xây dựng, chế tạo và lắp đặt thiết bị đều do các đơn vị trong TCT Sông Ðà đảm nhận. Ðặc biệt, Công ty cơ khí lắp máy Sông Ðà lần đầu tiên nhận thầu trọn gói việc chế tạo hơn 11.000 tấn thiết bị và kết cấu thép, đồng thời lắp đặt 25.000 tấn thiết bị toàn bộ nhà máy.
Ðến thời điểm này công trình đã hoàn thành toàn bộ công tác xây dựng và lắp đặt thiết bị. Tuyến băng tải dài ba km từ mỏ khai thác đá vào nhà máy cùng với tuyến băng tải kiên cố, hiện đại dài 3,8 km từ nhà máy ra cảng xuất đã được lắp đặt (phần lớn chạy trên bãi sình lầy, sú vẹt) vừa được nghiệm thu, đưa vào sử dụng. Chủ tịch HÐQT công ty Trịnh Văn Minh cho biết: Trong hai tuần qua, khi cho chạy thử an toàn trạm đập đá vôi, trạm nghiền xét, các hệ thống nghiền than, nghiền nguyên liệu và phụ gia, trạm nghiền xi-măng thành phẩm đã cho sản xuất thử những mẻ đầu tiên đạt chất lượng yêu cầu của mác PCB 40 và PCB 30. Khoảng đất đối diện với tháp trao đổi nhiệt độ cao 110 m vài tháng trước còn là nơi tập kết hàng núi thiết bị sắt thép, bây giờ đã là một khu nhà trung tâm điều hành ba tầng khang trang, thoáng, rộng, gồm nhiều phòng, ban, làm nơi thí nghiệm, kiểm định và điều khiển, toàn bộ hoạt động bằng công nghệ điện tử và tự động hóa. Những lối đi giao thông nội bộ giữa các dây chuyền nghiền, đóng bao, các silo đến lò nung và đường dẫn ra hai dây chuyền băng tải nhập và xuất đang được thu dọn, lát bê-tông, trồng cỏ, cây xanh và làm vườn hoa. Quang cảnh bên ngoài hiện trường nhà máy vắng vẻ không thấy nhiều xe máy và rất ít thợ làm việc, Tổng giám đốc công ty thạc sĩ Bùi Văn Luyện cho biết: Ðây là thời điểm căng thẳng và hồi hộp nhất, tuy lặng lẽ vắng vẻ bên ngoài nhưng hầu hết cán bộ quản lý đang phải tập trung theo dõi, kiểm tra, hiệu chỉnh tại các hạng mục chạy thử đơn động, liên động, không tải và có tải. Giám đốc Ngọc Anh phải thường xuyên túc trực kiểm tra, theo dõi các chỉ tiêu thông số của hạng mục nghiền liệu, nghiền than trong giai đoạn chạy thử không tải. Kỹ sư Cù Ngọc Quốc Oai - Phó tổng Giám đốc trực tiếp theo dõi công tác thí nghiệm hiệu chỉnh các dây chuyền băng tải ở cả hai đầu xuất và nhập cùng hệ thống vận hành các silo xi-măng và clanh-ke. "Nóng" nhất hiện nay là công tác xây lò bảo ôn, công việc này chỉ được tiến hành sau khi hoàn thành toàn bộ các hạng mục trong dây chuyền, vì theo quy trình khi lò xây xong sẽ tiến hành sấy, đốt lò và đưa vào vận hành ngay. Kỹ sư An Văn Phượng - Giám đốc Công ty Someco Sông Ðà, người chỉ huy chế tạo và lắp thiết bị toàn bộ nhà máy cho biết: Ðây là công đoạn cuối cùng của đơn vị cũng là hạng mục kết thúc để đưa nhà máy vào sản xuất. Giai đoạn này công ty phải huy động công nhân chuyên ngành làm ca kíp liên tục 24 giờ trong ngày để kịp hoàn thành trước ngày 20-12.
Sau gần 40 tháng thi công, các lực lượng xây lắp của Tổng công ty Sông Ðà đã xây lắp thành công một nhà máy sản xuất xi-măng cỡ lớn ở cả hai đầu đất nước, một ở xã Thống Nhất, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh và một tại Khu công nghiệp Hiệp Phước, TP Hồ Chí Minh.
Thông báo mới nhất
Tin nổi bật
28/08/2024, 13:13
22/08/2024, 16:20
12/08/2024, 11:18
WEBSITE LIÊN KẾT
Thông kê truy cập
Đang trực tuyến | 1 | |
Hôm nay | 34 | |
Tổng lượt truy cập | 188,159 |
Tin liên quan