CÔNG TY CỔ PHẦN SJ GROUP

EnglishVietnamese
 
024.3768.5592


Khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản

Ngày đăng: 08/06/2022

Theo các chuyên gia kinh tế, việc kiểm soát tín dụng vào thị trường bất động sản (BĐS) rất quan trọng cho nền kinh tế, tuy nhiên việc tăng trưởng "nóng" lại dẫn đến nhiều nợ xấu. Do vậy, việc kiểm soát tín dụng BĐS như thế nào để hạn chế được rủi ro, đồng thời tạo cơ hội cho thị trường BĐS phát triển, góp phần cho việc phục hồi nền kinh tế nói chung là cần thiết.

Vốn cho thị trường bất động sản rất khắc nghiệt

Tại tọa đàm "Khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản", do Báo Thanh Niên phối hợp cùng Viện Kinh tế Xanh tổ chức sáng ngày 7/6, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết, thị trường BĐS hiện thiếu trầm trọng thanh khoản. Hiện nay, doanh nghiệp BĐS có các kênh huy động vốn chính gồm: vốn sở hữu, vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu, vốn huy động từ khách hàng và vốn FDI. Trong đó, vốn chủ sở hữu theo quy định tại Luật Đất đai rất thấp, chỉ chiếm từ 15 - 20%, còn lại 80 - 85% phải huy động từ các kênh khác.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, thị trường BĐS đang thiếu trầm trọng về thanh khoản

Theo ông Lê Hoàng Châu, từ sau khi có Nghị định 20 của NHNN, doanh nghiệp BĐS không được vay tiền để mua đất ở các NHTM, chỉ được vay để thực hiện dự án khi đã có đất. Ngoài ra, Thông tư 20 cũng không cho cá nhân, hộ gia đình vay mua nhà ở xã hội, chỉ còn kênh duy nhất là vay ở ngân hàng chính sách.

“Việc khó tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của các doanh nghiệp. Trong khi đó, tín dụng là bệ đỡ của nền kinh tế, là mạch máu, bình oxy, dưỡng khí của thị trường BĐS. Không tiếp cận được nguồn vốn này, doanh nghiệp gần như ngộp thở, dẫn đến tắc thở. Người dân cũng vô cùng khó khăn", ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh.

Cũng theo ông Châu, tổng dư nợ cho thị trường BĐS theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước hiện khoảng 2,3 triệu tỉ đồng, tỉ lệ nợ xấu chiếm khoảng hơn 1,6%, nếu so với quy mô của nền kinh tế thì chỉ ở mức bình thường, chiếm 19,16%, không đáng lo ngại.

Trong khi đó, theo chuyên gia tài chính PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học Viện Tài Chính, việc kiểm soát tín dụng vào BĐS là rất quan trọng. Thực tế, từ năm 2020, nhiều chuyên gia kinh tế đã nhìn thấy và cảnh báo dòng vốn vào BĐS đang có sự tăng trưởng nóng. Tuy nhiên, việc kiểm soát dòng vốn vào BĐS cũng không nên quá “đại trà” vì sẽ ảnh hưởng đến thị trường BĐS, nhất là người có nhu cầu mua nhà thật. Bởi hiện nay, có một số người mua nhà đã đặt cọc rồi nhưng do vướng mắc của Nghị định và Thông tư 20 nên họ không thể vay để mua nhà thương mại mà chỉ có thể vay để mua nhà chính sách, đã ảnh hưởng đến người mua.

Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, có thể do một số ngân hàng bị hết room hạn mức cho vay BĐS nên dừng không cho vay đúng lúc NHNN thông báo siết chặt tín dụng BĐS. Tuy nhiên, các ngân hàng nếu vẫn còn dư địa nên xem xét tạo điều kiện cho người mua nhà, tránh tình trạng người mua lẫn doanh nghiệp BĐS bị ảnh hưởng do thiếu vốn.

Khơi thông dòng vốn BĐS để khơi thông nền kinh tế

Ông Lê Thành, Chủ tịch hội đồng sáng lập Viện kinh tế Xanh cho rằng, BĐS là một trong những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, chiếm 14% GDP và có khả năng lan tỏa đến trên 40 ngành nghề quan trọng khác, nhất là những ngành liên quan trực tiếp như: xây dựng, công nghiệp chế biến chế tạo, du lịch, lưu trú - ăn uống, tài chính - ngân hàng... Một số nghiên cứu cho thấy, để đầu tư 1m2 nhà ở cần 17 nhân công lao động; còn phát triển, vận hành một căn hộ sẽ tạo thêm việc làm cho 0,4 người lao động. Vì thế, phát triển BĐS không chỉ tạo công ăn việc làm, tạo chốn an cư cho cộng đồng mà còn thúc đẩy sự phát triển chung của cả nền kinh tế.

Thế nhưng, tháng 4/2022 vừa qua, thị trường BĐS bị “náo động” vì thiếu thanh khoản do những lo ngại về sự phát triển nóng của thị trường BĐS. Cụ thể, NHNN đánh giá đầu tư kinh doanh BĐS là một trong các lĩnh vực rủi ro với hoạt động ngân hàng, cần có các giải pháp kiểm soát. Việc thắt chặt trái phiếu và tín dụng BĐS đã khiến thị trường gặp khó, nguồn cung ngày càng giảm và thiếu so với nhu cầu đang tăng.

Theo thống kê từ Bộ Xây dựng, tính đến hết quý 1/2022, chỉ có 24 dự án hoàn thành, bằng 47% so với quý 4/2021 và bằng khoảng 54% so với cùng kỳ năm 2021. Số dự án đủ điều kiện mở bán chỉ là 56 dự án, giảm tới 2/3 so với quý 4/2021 - thời điểm trước khi có những biến động về nguồn cung tín dụng cho bất động sản.

Theo ông Thành, nguồn cung eo hẹp đã đẩy mức giá tăng lên một cách bất hợp lý. Số liệu thị trường của batdongsan.com.vn cho thấy, giá rao bán trung bình của chung cư tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong 4 tháng đầu năm 2022 đều tăng vọt. Riêng tại Hà Nội, mức tăng lên tới 9%, gấp 1,5 lần mức tăng trung bình của cả năm 2021.

“Quý 1/2022, trước thời điểm các ngân hàng “phanh” cho vay BĐS, mức tăng cũng giữ ở mức ổn định gần 5%. Trong khi đó, tại TP Hồ Chí Minh, thị trường chứng kiến mức tăng mạnh nhất, lên tới 10% chỉ trong vòng 1 tháng (theo số liệu từ Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam). Việc tăng giá nhà này được xem là hệ lụy của việc chặn dòng tín dụng vào BĐS”, ông Thành chia sẻ.

Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% ngày 27/5, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định: “Tinh thần chỉ đạo của ngành NH nhiều năm qua là kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với những lĩnh vực có nguy cơ rủi ro cao như BĐS, trái phiếu, chứng khoán. Riêng với BĐS, chỉ kiểm soát chặt với BĐS có tính chất đầu cơ, phân khúc nhà nghỉ dưỡng, dự án cao cấp, còn tín dụng đối với nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội, nhà ở cho người nghèo thì luôn khuyến khích”.

Vì thế, theo NHNN, cần có thêm các chính sách cụ thể hóa chủ trương “siết" tín dụng BĐS, thể hiện qua cơ chế để các doanh nghiệp tiếp tục tiếp cận được các nguồn vốn. Cụ thể, các doanh nghiệp khỏe mạnh, những khách hàng tin cậy, có tín nhiệm và các dự án đáp ứng đủ điều kiện, đảm bảo tính khả thi cần được tiếp tục vay vốn tại các NHTM.

Theo: Báo Tin Tức

Thông kê truy cập

Đang trực tuyến 1
Hôm nay 5
Tổng lượt truy cập 188,130
Thong ke