CÔNG TY CỔ PHẦN SJ GROUP

EnglishVietnamese
 
024.3768.5592


Tâm điểm thị trường bất động sản đang dồn về phân khúc nào?

Ngày đăng: 09/05/2022

Trong khi phân khúc căn hộ, cả nước có tổng giao dịch chỉ bằng 45,5% so với quý trước và bằng 80% so với cùng kỳ năm 2021. Phân khúc đất nền lại chiếm ưu thế khi có lượng giao dịch tăng đột biến 242% so với quý IV/2021.

Báo cáo thị trường bất động sản quý I/2022 của Bộ Xây dựng cho thấy giao dịch trên thị trường có sự sụt giảm ở nhiều phân khúc so với cùng kỳ năm trước.

Theo đó, ở phân khúc căn hộ, cả nước có tổng lượng giao dịch chỉ bằng khoảng 45,5% so với quý 4/2021 và bằng khoảng 80% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng tại TP. HCM chỉ có 1.172 giao dịch thành công trong quý vừa qua.

Phân khúc đất nền đang có lượng giao dịch tăng đột biến tới 242% so với quý IV/2021.

Đáng chú ý, phân khúc đất nền lại có lượng giao dịch tăng đột biến. Cụ thể, lượng giao dịch đất nền trong quý đạt 153.537 giao dịch thành công. Tổng lượng giao dịch bằng khoảng 242% so với quý IV/2021. Khu vực miền Nam ghi nhận tới 90.089 giao dịch đất nền thành công. 

Nhìn chung, giá đất nền trong quý vừa qua có biên độ tăng cao, bình quân tăng khoảng 5-10% so với quý trước. Đặc biệt, thời điểm cuối tháng 3/2022, tại một số địa phương như vùng ven Hà Nội và TP HCM, các tỉnh Thái Bình, Lâm Đồng, Khánh Hoà, Đà Nẵng, Đồng Nai… lại có hiện tượng giá và lượng giao dịch đất nền tăng nhanh. Một số nơi mức giá tăng 15 – 20% so với cuối năm 2021, tương tự thời điểm cuối quý I đầu quý II năm 2021, tuy nhiên mức độ lan rộng và biên độ tăng giá thấp hơn.

Theo báo cáo quý I/2022 của Batdongsan.com.vn, đất nền được tìm kiếm nhiều hơn thời điểm trước dịch COVID-19, tuy nhiên giảm so với cùng kỳ năm 2021. Đây cũng là loại hình bất động sản phục hồi nhanh nhất sau mỗi đợt dịch bệnh bùng phát.

Loại hình đất và đất nền dự án có mức độ quan tâm tăng ở nhiều tỉnh thành. Lượt tìm kiếm đất nền trong quý I vẫn tăng 4% so với đợt năm 2019, nhưng giảm 7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, tại miền Bắc, mức độ quan tâm đến đất thổ cư tại một số khu vực như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng,... có sự sụt giảm nhưng giá rao bán vẫn tăng lần lượt 35%, 16% và 29% so với mức giá trung bình cả năm 2021. Giá rao bán đất thổ cư cũng tăng đồng loạt tại các huyện vùng ven Hà Nội như Chương mỹ (74%), Quốc Oai (26%), Gia Lâm (21%), Đông Anh (20%),...

Trái lại, đất nền miền Trung ghi nhận mức độ quan tâm tăng 14%, một số địa phương như Đắk Lắk, Khánh Hòa, Bình Thuận ghi nhận tăng mạnh lần lượt 58%, 48%, 44%. Mặt bằng giá rao bán đất nền cũng ghi nhận tăng so với năm ngoái, trong đó, Thanh Hóa tăng 35%, Khánh Hòa tăng 26% và Bình Thuận tăng 13%.

Còn tại phía Nam, mức độ quan tâm đến đất nền ghi nhận giảm so với cùng kỳ năm ngoái ở nhiều nơi như TP HCM (15%), Cần Thơ (40%), Bình Dương (13%), Đồng Nai (13%), Bà Rịa - Vũng Tàu (16%),... Tuy nhiên, giá rao bán vẫn tăng 27% tại Bình Dương, 23% tại Bình Phước, 13% tại Long An, 7% tại Đồng Nai,...

Ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc cho biết, giá đất nền nhiều khu vực ngoại thành Hà Nội tăng 10 – 20% so với đầu năm 2021. Giá đất huyện Đông Anh ở các xã Xuân Canh, Uy Nỗ, Đông Hội, Vĩnh Ngọc thiết lập mặt bằng giá từ 40 – 150 triệu đồng/m2.

Giá đất nền các tỉnh tăng 10 – 20% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt những nơi mặt đường lớn vị trí đẹp, giá tăng từ 30 – 40%. Ở các tỉnh như Bắc Ninh và Bắc Giang, giá đất nền cũng tăng khoảng 20 - 30% so với năm ngoái.

Đánh giá tổng quan về thị trường bất động sản miền Bắc, ông Quyết nhấn mạnh, tuy giá tăng cao, nhưng sẽ không có hiện tượng sốt đất hoặc đóng băng toàn thị trường mà chỉ diễn ra cục bộ ở một số địa phương.

Sốt đất nền rầm rộ ở nhiều địa phương

Các gói đầu tư công vào hạ tầng Hà Nội và các tỉnh lân cận như các tuyến đường vành đai 4, 5… là điểm nhấn giúp thị trường bất động sản tại các tỉnh vệ tinh hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, với sự phát triển nóng, “sốt” giá tại nhiều địa phương qua các cuộc đấu giá, các nhà đầu tư cần thận trọng để giảm thiểu rủi ro bong bóng bất động sản.

Theo ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản Việt Nam đang ở trong tình trạng mất cân bằng cung cầu khá nghiêm trọng. Bằng chứng là trong năm 2021, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ở Việt Nam và trên thế giới nhưng chỉ cần dịch lắng xuống là thị trường bất động sản lại bùng lên. Ngay cả ở những thời điểm dịch bệnh căng thẳng thì công nghệ trong lĩnh vực bất động sản lại phát triển mạnh, giúp kích thích thị trường.

Từ năm 2021, rất nhiều dòng vốn được rút ra từ các lĩnh vực kinh tế khác để chuyển sang tìm kiếm các kênh đầu tư hiệu quả như bất động sản. Do đó, thị trường ngày càng xuất hiện nhiều nhà đầu tư F0 hay còn gọi là các nhà đầu tư tay ngang.

Theo CafeF

Thông kê truy cập

Đang trực tuyến 2
Hôm nay 24
Tổng lượt truy cập 188,274
Thong ke